- .MỘT SỐ NÉT VỀ NGÀNH CÔNG NGHIỆP IN VIỆT NAM VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI IN VIỆT NAM NĂM 2018.
1.Ngành công nghiệp in Việt Nam 2018 với những yếu tố tác động
1.1. Một số nét về tình hình Quốc tế :
- Cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu với quy mô chưa từng có đã làm cho các nền kinh tế co cụm lại, ít cởi mở hơn, trong đó có thị trường ngành in. Các đơn hàng in xuất khẩu đã giảm nhiều so với trước.
- Việc Mỹ tăng lãi xuất đồng Đôla đã làm cho tỷ giá USD so với phần lớn các đồng tiền tăng vọt. Tiền đồng Việt Nam giảm giá trên 2,5% trong năm qua đã làm cho giá cả vât tư, máy móc thiết bị nhập khẩu tăng giá mạnh.
- Với chính sách bảo vệ môi trường của các nước công nghiệp đã đẩy giá bột giấy lên rất cao, có loại cao hơn cả giá giấy thành phẩm. Đặc biệt là Trung Quốc, nơi có sản lượng giấy thành phẩm lớn hàng đầu của thế giới đã đóng cửa hàng loạt các nhà máy giấy quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, thắt chặt việc nhập khẩu phế liệu giấy đã góp phần vào việc tăng giá các loại giấy trên toàn cầu và của các khu vực.
Theo số liệu của các nhà cung cấp giấy in, giá tăng thấp nhất cũng trên 30%, có loại tăng trên 50%. Các nhà máy giấy trong nước có sản lượng còn khá khiêm tốn, công nghệ lại lạc hậu nên không đủ sức làm cho thị trường giấy bớt căng thẳng. Hiện chỉ có khoảng 50% lượng giấy in và giấy viết được sản xuất trong nước, giấy in báo phải nhập khẩu 100%, các loại giấy in bao bì cao cấp cũng vậy. Giá giấy tăng cao đột biến, liên tục và kéo dài đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp in, trong khi giá bán sản phẩm in rất khó tăng hoặc tăng rất ít. Hiện nay giá giấy đã phần nào chững lại, nhưng tỷ giá USD lại đang tăng mạnh, ảnh hưởng không ít lên các loại vật tư, thiết bị nhập khẩu, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành ngành in.
1.2. Một số nét về tình hình trong nước:
- Mức phát triển ổn định của kinh tế Việt Nam đã tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó có ngành in phát triển, đặc biệt là lĩnh vực in nhãn hàng và bao bì. Trong nhiều năm vừa qua sự tăng trưởng của in nhãn hàng, bao bì luôn đạt mức 8-10%, giúp cho sản lượng ngành in tăng bình quân 5-6%. Trong lĩnh vực in truyền thống, trừ mảng in báo, tạp chí vẫn có xu hướng sụt giảm còn các sản phẩm khác tương đối ổn định.
- Những nỗ lực của một Chính phủ kiến tạo kể từ cuối năm 2016 đã tạo ra một môi trường pháp lý ngày một thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp. Bằng Nghị quyết 19/2017/NQ - CP ngày 06/02/2017 và Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 Chính phủ đã đặt ra những mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện đầu tư kinh doanh và có cả những chỉ tiêu cụ thể với một số Bộ, ngành.
Nghị định 25/2018/NĐ - CP ngày 28/02/2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP ngày 19/6/2014 về hoạt động in cũng đạt được tiêu chí này.
Tại Hội nghị điểm lại pháp luật kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của VCCI, Trưởng Ban pháp chế VCCI vẫn còn băn khoăn bởi có những quy định chỉ sửa đổi một vài câu chữ trong khi bản chất không thay đổi, tính chất đơn giản hóa không đáng kể, có những sửa đổi chỉ theo hướng hạ thấp điều kiện … Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng “ có thể mất 2 năm thậm chí là 3, 4 năm hoặc hơn để tạo ra được một Nghị định hoặc quy định bãi bỏ điều kinh doanh. Tuy nhiên, điều đáng nói là thời gian chờ đợi này cũng đã giết hàng vạn doanh nghiệp …”
Dù sao, đây cũng là sự chuyển biến đáng ghi nhận của các Bộ, các Ngành. Có địa phương, như TP Hồ Chí Minh, UBND và Sở Thông tin và Truyền thông trong 2 năm qua đã có các cuộc làm việc riêng với các đơn vị xuất bản, in, và phát hành sách nhằm lắng nghe và xử lý những vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ.
- Chính sách thuế của Nhà nước vẫn nặng tính lạm thu, đặc biệt là thuế VAT, thuế nhập khẩu, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp . Đối với ngành in, việc áp mã thuế nhập khẩu một số loại giấy, bản in offset trong những năm qua đã tỏ ra thiếu thuyết phục về tính minh bạch, làm cho nhiều doanh nghiệp bị truy
thu và nộp phạt với số tiền không nhỏ. Tình trạng thuế chồng thuế còn thể hiện trong việc tính thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu.
- Việc áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, truyền thông điện tử và sự gia tăng sản xuất hàng hóa đã làm thay đổi mạnh cơ cấu sản phẩm ngành công nghiệp in Việt Nam.
1.3 Thực trạng ngành công nghiệp in ở nước ta:
- Nhìn chung, sản lượng và doanh thu ngành công nghiệp in Việt Nam vẫn gia tăng. Sản lượng trang in tăng 5-7%, doanh thu tăng trên dưới 10% có nơi tăng cao hơn, nhưng chủ yếu do giá trị nguyên vật liệu và các khoản chi phí khác tăng cao, còn phần giá trị gia tăng thì chỉ tăng không đáng kể. Đặc biệt là phần giá trị thặng dư, lợi tức lại giảm nhiều so với các năm trước .
Suất đầu tư mới để hiện đại hóa, tự động hóa, mở rộng quy mô sản xuất đều thấp hơn thời kỳ trước. Nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc việc huy động vốn đầu tư do tỷ suất sinh lời của đầu tư trong ngành in nước ta đang giảm.
- Việc đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại chủ yếu trong lĩnh vực in nhãn hàng, bao bì ở những công ty đang lớn mạnh, trong đó có khối in tư nhân và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập vẫn chủ yếu đầu tư những thiết bị đã qua sử dụng với suất đầu tư vừa phải. Các loại máy đã qua sử dụng nhập khẩu gần đây có niên đại đều đúng với quy định, máy in là dưới 20 năm. Công nghệ kỹ thuật số phát triển chậm hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Lực lượng lao động ngành in nước ta hiện trên 60.000 người, thực ra không nhỏ so với sản lượng khai thác thực tế nhưng năng suất lao động lại rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và thấp hơn nhiều so với các nước phát triển. Nguyên nhân là lao động có tay nghề cao, chuyên môn giỏi rất thiếu, phương thức quản lý lạc hậu, làm việc kém hiệu quả nên tạo ra khủng hoảng thiếu nhân lực trầm trọng, những thợ có tay nghề khá hoặc giỏi càng trở nên ỷ lại, sự trung thành và đạo đức nghề nghiệp ngày một suy giảm. Nguồn nhân lực qua đào tạo ngày càng ít, một phần trong số đó lại được các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm sử dụng từ sớm nên các doanh nghiệp trong nước vừa thiếu nhân lực bổ sung, chất lượng nhân lực bổ sung lại thấp, phương pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lại yếu kém nên năng lực của lao động mới chậm phát huy. Những thiết bị hiện đại vì vậy không phát huy hết hiệu quả, gây lãng phí vốn đầu tư, không tạo điều kiện khấu hao nhanh để tái đầu tư và mở rộng sản xuất.
- Cơ cấu chủ sở hữu trong ngành in nước ta đang thay đổi nhanh chóng. Nhiều công ty in Nhà nước đang tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, trong đó có khối nhà in báo Quân Đội, nhà in thuộc công ty Xổ số kiến thiết Bình Dương .v.v.. Vốn nhà nước tại các công ty đã cổ phần hóa đang thoái dần, có nơi thoái hết phần vốn nhà nước. Việc mua bán, sát nhập công ty (M&A) đang diễn ra ngày một phổ biến trước những biến động lớn về thị trường và những khó khăn trong việc cạnh tranh ở ngành in Việt Nam. Hàng loạt các công ty in bao bì lớn của Việt Nam đã bị thâu tóm bởi các công ty lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Áo, … Trong các khu công nghiệp lớn ngày càng nhiều các công ty có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập. Cũng giống như nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam, sản lượng, doanh thu, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI ngày một lớn mạnh. Khối doanh nghiệp Nhà nước ngày một tỏ ra kém hiệu quả, khối doanh nghiệp tư nhân thì phần lớn còn quá nhỏ bé và công nghệ lạc hậu.
Tuy vậy, cũng có một số doanh nghiệp in của Việt Nam đang không ngừng lớn mạnh, dù các điểm sáng đó không nhiều.
2. Một số Hoạt động của Hiệp hội In Việt Nam.
2.1-Công tác pháp chế:
Thành công nổi bật là việc kiên trì phản biện nhằm cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy phép con trong hoạt động in đã mang lại kết quả. Nghị định 60/2014/NĐ - CP đã được thay thế bởi Nghị định 25/2018/NĐ - CP ban hành ngày 28/02/2018 với 17/33 điều được điều chỉnh, sửa đổi hoặc bãi bỏ. Tuy vẫn còn những quy định sửa đổi chưa triệt để nhưng sự cầu thị của các cơ quản lý Nhà nước, của một số Bộ, ngành với sự hợp tác tích cực của VCCI đã giảm được nhiều thủ tục và quy định vốn gây khó khăn, phiền hà cho các doanh nghiệp in. Việc đấu tranh để đưa hoạt động in ra khỏi danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã có kết quả ban đầu: lĩnh vực in nhãn hàng và bao bì đã được loại bỏ khỏi phụ lục số 4 của Luật đầu tư đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp in những loại sản phẩm này tránh khỏi những quy định, thủ tục hành chính gò bó và rườm rà.
Hiêp hội in Việt Nam luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp in trong việc đấu tranh nhằm minh bạch hóa việc quy định và áp các mã ngành hàng thuộc biểu thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị in hoặc trong việc thu thuế chồng thuế nhưng vẫn chưa đạt kết quả trong bối cảnh vừa lạm thu, vừa thất thu thuế hiện nay của các cơ quan thuế và hải quan.
2.2 - Công tác thông tin và khoa học, công nghệ:
Tạp chí In và Truyền thông vẫn được xuất bản theo đúng định kỳ mang lại thông tin khá bổ ích cho hội viên, chất lượng bài viết vẫn được duy trì. Tuy vậy việc tham gia viếtbàicòn chưa được hưởng ứng rộng rãi, còn tập trung ở một số cộng tác viên nhiệt tình và tâm huyết.
Việc cập nhật thông tin trên trang Web vẫn còn hạn chế . Thông tin về hội viên có nhiều biến động cần cập nhật kịp thời hơn. Việc lấy ý kiến của Thường vụ, Ban Chấp hành qua mạng là phù hợp nhưng những ý kiến phản hồi còn không đầy đủ.
Nhiều cuộc hội thảo khoa học được tổ chức cung cấp nhiều thông tin bổ ích, nhất là trong bối cảnh trình độ khoa học, công nghệ in được áp dụng còn hạn chế trong khi các nước tiên tiến đang tiến tới nền công nghiệp 4.0 với những nhà in thông minh. Các cuộc hội thảo còn tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trẻ và bao bì tham dự đông hơn các nhà in truyền thống.
2.3- Hợp tác, liên kết:
Hợp tác với Hội in TP Hồ Chí Minh và Công ty Chan Chao tổ chức gian hàng tại các cuộc triển lãm In và Bao bì tại SECC TP Hồ Chí Minh;cùng với Hiệp hội Bao bì (VINAPAS) và Hiệp hội Giấy Việt Nam (PPA) bàn với Công ty Chan Chao về việc phối hợp tổ chức triển lãm chung về In – Bao bì và Giấy trong năm tới hoặc trong tương lai gần; thỏa thuận về nguyên tắcviệc phối hợp với Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam trong việc tổ chức triển lãm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Tổ chức các cuộc hiệp thương trong việc đấu thầu in sách giáo dục. Có ý kiến đề xuất với Nhà Xuất bản Giáo dục trong việc xem xét, xử lý các gói thầu bị vượt giá trần đối với những nhà in đang gặp khó khăn về công ăn việc làm.
2.4- Công tác xã hội, uống nước nhớ nguồn:
Năm qua, được sự hưởng ứng của nhiều hội viên và các nhà tài trợ, Hiệp hội In Việt Nam đã quyên góp được trên 350 triệu đồng để xây dựng nhà bia Lương Như Hộc - ông tổ nghề in Việt Nam tại Liễu Tràng - Hải Dương. Nhà bia đến nay đã hoàn thành. Đại diện Ban Chấp hành Hiệp hội In Việt Nam đã tham dự lễ khởi công và về dự Lễ hội hàng năm vào dịp đầu xuân 2018 với sự đón tiếp nhiệt tình của chính quyền và nhân dân địa phương.
Hiệp hội In Việt Nam và một số nhà in phía Bắc đã đón tiếp chu đáo đoàn lão thành ngành in Miền Tây lần thứ 2 ra thăm miền Bắc trong không khí tình cảm và chân thành, nhiều xúc cảm.
Hội In TP Hồ Chí Minh đã chăm lo chu đáo và quyên góp giúp đỡ ông Huỳnh Trà Ngộ – lão thành ngành in tại TP Hồ Chí Minh, tổ chức tang lễ hết sức chu đáo. Gần đây Hội In TP Hồ Chí Minh đã về Cần Thơ thăm hỏi sức khỏe và tặng 10 triệu đồng ông Huỳnh Văn Bé – Anh hùng lao động, nguyên giám đốc Công ty CP In Cần Thơ nay sức khỏe đã giảm sút và gia đình gặp nhiều khó khăn.
2.5- Công tác tổ chức và phát triển hội viên:
Đã bàn giao chức danh Chánh Văn phòng Hiệp hội, Phó chủ tịch - Tổng thư ký kiêm nhiệm chức danh này, ổn định bộ máy văn phòng phía Nam, kết hợp với hội in Tp Hồ Chí Minh theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và tiết kiệm, từng bước đưa hoạt động của Văn phòng đi vào nề nếp theo đúng quy định.
Công tác phát triển hội viên hai năm gần đây đã có chuyển biến tích cực, nhất là tại địa bàn TP Hồ Chí Minh và vùng lân cận.
Tư vấn, góp ý với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương trong việc thành lập hội in Bình Dương với đặc thù có nhiều doanh nghiệp in nước ngoài đang hoạt động tại địa bàn.
Tiến hành thường xuyên công tác khen thưởng đối với tập thể và cá nhân trong các dịp hội nghị thường niên của Hiệp hội và các chi hội.
2.6- Công tác đối ngoại:
Tổ chức thành công Hội nghị luân phiên Hiệp hội In các nước ASEAN do Việt Nam đăng cai, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Phối hợp với Hội in TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các đơn vị quốc tế tổ chức đoàn tham quan, dự triển lãm quốc tế tại Trung Quốc, Nhật Bản, sắp tới là tại Đài Loan ( TIGAX 2018 ) và Thượng Hải ( ALL IN PRINT CHINA 2018 )
2.6- Công tác khác :
Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam và một số báo để phản ánh những vấn đề có liên quan đến hoạt động của ngành in. Phối hợp với các Hội trong hoạt động và tổ chức Hội thao nhân ngày truyền thống của ngành Xuất bản – In – Phát hành.
II. NHỮNG CÔNG TÁC TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2018 – 2019
- Từng bước ổn định và nâng cao chất lượng , đổi mới hoạt động của Văn phòng Hiệp hội, kết nối thường xuyên với các hội viên, các hội và các chi hội, các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức có liên quan để thường xuyên nắm bắt tình hình, xử lý và cung cấp các thông tin hữu ích cho hội viên.
- Rà soát các chế độ chính sách liên quan mật thiết đến ngành in, các bất hợp lý liên quan đến quy định về thuế, hải quan, v.v… để phản ánh đến các cơ quan hữu quan (trên cơ sở phản ánh của các hội viên và các doanh nghiệp ngành in)
- Tổ chức, phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo chuyên ngành với nội dung, đề tài thiết thực, cung cấp thêm thông tin, định hướng phát triển của ngành, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc, miền Trung.
- Cải tiến, nâng cấp chất lượng và hình thức thông tin của Hiệp hội, kết nối thông tin với các Hội, Chi hội và hội viên, trong Ban Chấp hành và Ban Thường vụ.
- Tiếp tục làm tốt công tác phát triển hội viên ở những khu vực có nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt còn chưa là hội viên. Cập nhật thường xuyên các thông tin và hoạt động của hội viên, các chi hội địa phương.
- Tổ chức chuyến đi về nguồn ( tham dự lễ hội đền Liễu Tràng, tham quan Nhà Bia Lương Như Hộc và danh thắng phía Bắc) với sự tham gia của các hội viên, các ủy viên Ban Chấp hành.
- Sớm có kế hoạch thu thập hiện vật, tư liệu và tìm địa điểm thích hợp để thành lập phòng bảo tàng ngành in, khi đã có đủ điều kiện sẽ lập nhà bảo tàng ngành in Việt Nam.
- Phối hợp hoạt động với các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức có liên quan với phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam ( VCCI) và các cơ quan nhà nước khác.
- Duy trì tốt các hoạt động đối ngoại, mở rộng giao lưu với các Hiệp hội in các nước, tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát và tham dự hội chợ, triển lãm, hội thảo ở nước ngoài.
- Triển khai tổ chức xét duyệt và trao Giải Chất lượng in Việt Nam theo Quy chế đã được ban hành.
BAN CHẤP HÀNH HIỆP HỘI IN VIỆT NAM
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Nguyễn Xuân Thịnh và Phó Chủ tịch Ngô Anh Tuấn trao bằng khen cho các Nhà tài trợ
Các Phó Chủ tịch Ngô Anh Tuấn và Nguyễn Văn Tâm trao Bằng khen cho các hội viên xuất sắc