Ngày 28/02/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 25/2018/NĐ - CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ - CP ngày 19/6/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in.
Ông Phạm Tuấn Vũ, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In, Phát hành sách phát biểu tại Hội nghị
Như vậy phải mất gần 4 năm ròng rã, những quy định bất cập của một số Nghị định đối với ngành công nghiệp in mới được sửa đổi về cơ bản. Phải nói, đó là một hành trình tốn kém nhiều thời gian, sức lực nhưng rất kiên trì, bền bỉ của các doanh nghiệp in, các cơ quan Ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt được sự quan tâm bằng những Chỉ thị, Nghị quyết rất quyết liệt của một chính phủ kiến tạo, vì doanh nghiêp khởi đầu từ năm 2016.
Kể từ khi Luật xuất bản 2012 được Quốc hội thông qua và ban hành ngày 20/11/2012 và đặc biệt Nghị định số 60/2014/NĐ - CP của Chính phủ ngày 19/06/2014 quy định về hoạt động in được ban hành thì ngành in Việt Nam đã phải đối mặt với không ít những khó khăn do gặp phải những rào cản với những quy định, thủ tục hành chính khá rườm rà , vô lý và bất cập thực tế, làm gia tăng chi phí hoạt động và cản trở quá trình sản xuất kinh doanh.
Trước sự bức xúc của các doanh nghiệp in, Hiệp hội In Việt Nam đã phối hợp với Vụ pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức cuộc hội thảo chuyên đề về việc thực hiện Nghị định 60/2014/NĐ - CP của Chính phủ tại hội trường T78, TP. Hồ Chí Minh, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp in, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu ngành in, với sự có mặt của đại diện cơ quan quản lý ngành là Cục Xuất bản - In và phát hành sách Việt Nam, Sở Thông tin Truyền thông TP Hồ Chí Minh. Những ý kiến, tham luận được nêu ra một cách cởi mở, thẳng thắn, kể cả những phản biện khá kiên quyết đã được thể hiện, phản ánh mức độ bức xúc của các doanh nghiệp in từ quy định về thủ tục cấp phép hoạt động ngành in, tiêu chuẩn người đứng đầu, quy định về hợp tác trong sản xuất kinh doanh, nhập khẩu, thủ tục nhận in, sổ ghi chép liên quan đến hợp đồng sản xuất in, v.v.. Cuộc hội thảo kết thúc chưa đạt được kết quả do phía cơ quan quản lý nhà nước vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm xiết chặt quản lý đối với hoạt động in – những vấn đề mà theo đánh giá của nhiều chuyên gia quản lý và các doanh nghiệp đều cho rằng đó là những bước thụt lùi so với Luật xuất bản năm 2004 và những văn bản dưới Luật được ban hành trước đây.
Sau hội thảo, Hiệp hội In Việt Nam vẫn tiếp tục liên lạc với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ tư pháp để tìm giải pháp tháo gỡ kết quả, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc làm việc với các đại diện Thường vụ Hiệp hội In Việt Nam, Cục Xuất bản - In - Phát hành đi đến giải pháp tiến hành cuộc khảo sát rộng rãi đối tượng bị điều chỉnh bởi Nghị định 60/2014/NĐ - CP là các doanh nghiệp đại diện Hiệp hội In Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là khu vực Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… nơi tập trung nhiều doanh nghiệp in lớn của cả nước. Bộ Tư pháp cũng tổ chức cuộc họp có sự tham gia của nhiều bên cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục xuất bản - In và phát hành và bên chịu sự quản lý là một số doanh nghiệp in, Hiệp hội In Việt Nam, có thêm thành phần là Ban Pháp chế VCCI, cơ quan đồng hành với các doanh nghiệp. Trong đó có các doanh nghiệp in để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ. Phải nói không khí các cuộc gặp mặt, thảo luận đều rất căng thẳng, thẳng thắn, nơi có những bất đồng về quan điểm giữa bên quản lý Nhà nước và bên chịu sự quản lý nhà nước đại diện là Hiệp hội các doanh nghiệp.
Ngoài các diễn đàn trên, Hiệp hội In Việt Nam còn tích cực tham gia các diễn đàn khác có liên quan đến các bộ luật cơ bản, tác động trực tiếp đến tất cả các doanh nghiệp khác nhau như Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, những kiến nghị đề nghị tiếp tục hoàn thiện các bộ luật cơ bản kể trên, đặc biệt là Luật Đầu tư.
Nhận thấy các cơ quan quản lý Nhà nước luôn viện dẫn ngành công nghiệp in thuộc lĩnh vực kinh doanh đặc thù, hoạt động có điều kiện nên hệ thống luật pháp luôn chặt chẽ với nhiều thủ tục hành chính phiền hà. Tại cuộc hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện quản lý kinh tế Trung ương, VCCI... chủ trì tại TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội In Việt Nam đã mạnh dạn đề xuất đưa mục “kinh doanh dịch vụ in” ra khỏi phụ lục số 4. “Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện” của Luật Đầu tư 2014.
Phải thừa nhận Luật Đầu tư 2014 đã có rất nhiều tiến bộ, tạo nhiều điều kiện thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp trong đầu tư và kinh doanh. Trước đây Luật đầu tư quy định có tới trên 600 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì Luật đầu tư 2014 rút xuống còn 267 ngành nghề, trong đó kinh doanh dịch vụ in vẫn giữ nguyên
(ở danh mục số 132 trong phụ lục số 4). Nếu cứ để như vậy, thì vẫn còn cơ sở để các cơ quan quản lý khi xây dựng hệ thống văn bản pháp luật viện lý để “siết chặt” ngành in.
Tại Hội thảo này, các Luật sư đã lên tiếng ủng hộ rất mạnh mẽ quan điểm của Hiệp hội ngành nghề, trong đó có ngành in. Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng ý kiến của Hiệp hội In Việt Nam là rất xác đáng, danh mục cần được bỏ bớt hơn nữa.
Từ giữa năm 2016 trở đi, Chính phủ dưới sự điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo rất kiên quyết trong việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất, kinh doanh và đầu tư, kiên định chủ trương xây dựng hình ảnh một Chính phủ kiến tạo, không khoan nhượng với hiện tượng
“Trên nóng, dưới lạnh”, sau này là “Trên nóng, dưới nóng” (các doanh nghiệp), còn giữa (các Bộ, ngành, địa phương) thì vẫn lạnh.
Kỳ họp Quốc hội thứ hai khóa XIV diễn ra trong 26 ngày, ( từ 20/10 đến 23 /11/2016) cũng tập trung tháo gỡ khó khăn về mặt pháp luật cho các doanh nghiệp . Theo thống kê, kỳ họp cuối năm của Quốc hội thường tập trung cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tại kỳ họp này, công tác xây dựng pháp luật được chú trọng, chiếm tới 65% thời gian của kỳ họp. Thời điểm đó lãnh đạo Hiệp hội In Việt Nam đang có mặt tại Quảng Bình để hỏi thăm, động viên và chuyển tiền ủng hộ cán bộ, Công nhân viên Công ty CP In Quảng Bình bị thiệt hại nặng do bão lũ. Bất ngờ có cuộc gọi lạ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đầu dây bên kia cho biết sáng ngày mai Quốc hội sẽ bấm nút biểu quyết sửa đổi Luật Đầu tư, trong đó có liên quan đến ngành in. Đó là xem xét loại bỏ một số lĩnh vực hoạt động, khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Qua nhiều cuộc làm việc với Bộ Thông tin và Truyên thông, Bộ kế hoạch và Đầu tư đề xuất loại bỏ những hoạt động in ấn không liên quan đến xuất bản phẩm và các ấn phẩm đặc biệt ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, yêu cầu Hiệp hội In Việt Nam cho biết diễn giải sao cho ngắn gọn, dễ hiểu. Cuối cùng Hiệp hội In Việt Nam và Bộ Kế hoạch Đầu tư thống nhất diễn đạt “ loại trừ in bao bì” (bao gồm cả nhãn hàng) ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Kết quả như đã biết, Luật Đầu tư sửa đổi ban hành, trong đó có phụ lục số 4, mục 128 có ghi “kinh doanh dịch vụ in, trừ in bao bì”. Đây chính là một tín hiệu tốt để có cơ sở điều chỉnh nhiều điều khoản trong Nghị định 60/2014/NĐ – CP sau này.
Về phía Chính phủ, giữa năm 2017, tại TP Hồ Chí Minh, Văn phòng Chính phủ, dưới sự chủ trì của ông Lê Mạnh Hà – Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ đã có cuộc họp với Hiệp hội các doanh nghiệp để nghe những bức xúc trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Tham dự cuộc họp còn có ông Đặng Huy Đông -Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, đại diện lãnh đạo Bộ Tư Pháp, VCCI cùng các chuyên viên. Ý kiến phản ánh tình hình thủ tục hành chính và giấy phép con còn khó khăn nặng nề trong ngành công nghiệp in đã được hội nghị đặc biệt quan tâm. Ông Lê Mạnh Hà và ông Đặng Huy Đông còn đề nghị các chuyên viên của các Bộ, ngành cần ghi nhận đầy đủ những vấn đề phản ánh của ngành in. Đài Truyền hình VTV và một số báo chí đã trực tiệp phỏng vấn và đề nghị cho phép tiếp cận một vài doanh nghiệp in để nghe những người đứng đầu cơ sở cho ý kiến thêm. Điều đó thể hiện tiếng nói của Hiệp hội In và trăn trở của các doanh nghiệp in đã được các cơ quan của Chính phủ quan tâm và lắng nghe. Ông Đậu Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ pháp chế VCCI là người quan tâm nắm bắt vấn đề này từ những ngày đầu cách đây hơn 3 năm nên luôn ủng hộ, thậm chí đã từng nêu vấn đề của ngành in trên các phương tiện truyền thông khác của Nhà nước.
Ngay tại cuộc họp lần cuối giữa Bộ thông tin và Truyền thông tại Hà Nội với Hiệp Hội in Việt Nam, các Hội in Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, ông Đậu Anh Tuấn cũng nêu thẳng quan điểm ủng hộ hoàn toàn những vấn đề mà ngành in đã kiến nghị.
Về việc chỉ đạo của Chính phủ đã có một số Quyết định và Nghị quyết quan trọng chỉ đạo như sau:
1- Quyết định số 143/QĐ-TTg ngày 19/01/2016 của Thủ tướng phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động của các cơ sở in thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
2- Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2017, định hướng đến năm 2020. Trong Nghị quyết ghi rõ “…Rà soát, kiến nghị sửa đổi nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19/06/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in theo hướng quy định rõ danh mục đối tượng chịu sự điều chỉnh, theo đó không áp dụng đối với hoạt động in bao bì, về mặt sản phẩm. Bãi bỏ các quy định có tính chất hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp (như quy định hạn chế hợp tác giữa các cơ sở in, cấp phép nhập khẩu các thiết bị sau in, quy định về người đứng đầu cơ sở in phải có chứng chỉ cao đẳng ngành in, cấp phép đối với các hợp đồng in từ nước ngoài…)
3- Và gần đây nhất ngày 15/05/2018, sau khi ban hành Nghị định số 25/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều cuả Nghị định số 60/2014/NĐ-CP thì Chính phủ lại tiếp tục có Nghị quyết số 19-2018/NĐ- CP, trong đó có các chỉ đạo quan trọng sau đây:
- Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có sự giám sát, đánh giá việc thực hiện các văn bản pháp luật bổ sung, sửa đổi….
- Phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kể cả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành …
Ngày 15/06/2018, Bô Thông tin và Truyền thông đã triệu tập hội nghị phổ biến và triển khai Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ – CP ngày 19/06/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in.
Thành phần tham dự Hội nghị gồm có đại diện lãnh đạo, các chuyên viên của Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Hiệp hội In Việt Nam và hơn chục doanh nghiệp in lớn của Trung ương và địa phương. Ông Phạm Tuấn Vũ – Phó Cục trưởng Cục Xuất bản – In và phát hành, chủ trì hội nghị, ông Phạm Trung Thông – Trưởng phòng Quản lý In, Cục xuất bản trình bày những nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị định.
Nghị định 60/2014/NĐ - CP đã được sửa đổi tới 17 điều và rất nhiều khoản, mục trong đó, khá nhiều điều, khoản đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi Nghị định 60. Theo ông Phạm Trung Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình bản Dự thảo Nghị định mới lên Chính phủ từ tháng 9/2017 nhưng đến ngày 28/02/2018 thì Nghị định số 25/2018/NĐ - CP mới được ký ban hành .
Do Nghị định 25/2018/NĐ - CP chỉ quy định những điều, khoản sửa đổi, bổ sung so với Nghị định 60/2014/NĐ - CP nên để dễ vận dụng cần tham khảo các văn bản khác sau đây:
- Văn bản số 01/VBHN - BTTTT ngày 03/03/2018: Văn bản hợp nhất Nghị định về hoạt động in (Hợp nhất Nghị định 60/2014/NĐ- CP và Nghị định 25/2018/NĐ - CP).
- Văn bản số 03/VBHN - BTTTT: Văn bản hợp nhất Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xuất bản và Nghị định số 159/2013/NĐ - CP.
- Quyết định số 529/QĐ - BTTTT ngày 11/04/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đại diện Cục xuất bản – In – Phát hành cho rẳng mặc dù Nghị định 25/2018/NĐ - CP đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều điều, khoản so với Nghị định 60/2014/NĐ - CP nhưng chắc chắn rằng vẫn còn một số điều, khoản chưa được sửa theo đúng mong muốn của các doanh nghiệp và Hiệp hội In Việt Nam, trong khi đó các cơ quan quản lý Nhà nước như các Sở Thông tin và Truyền thông ở các địa phương thì lại cho rằng Nghị định mới sửa đổi quá nhiều thế này thì còn gì để “quản” nữa ?!
Quả thật với môi trường pháp lý như ở nước ta hiện nay thì mâu thuẫn quyền lợi giữa các cơ quan quản lý vẫn đang là một điều dễ hiểu. Nhưng thiết nghĩ, hệ thống luật tiên tiến vì lợi ích chung của xã hội và con người thì Nhà nước chỉ nên quản lý những điều không thể không được quản lý, gây thiệt hại cho xã hội hoặc lợi ích chung, còn những quy định mang tính can thiệp vào quyền lợi chính đáng và các quyền tự quyết của doanh nghiệp đã được luật định thì không nên can thiệp và môi trường pháp lý chặt chẽ, khoa học nhưng vẫn thông thoáng luôn là điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Nguyễn Văn Dòng
Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam