Tin tức hiệp hội

Khốn đốn vì quy định bất hợp lý

Những quy định bất hợp lý về tuổi thọ thiết bị, công nghệ nhập khẩu; sự trùng lặp trong các giấy phép… đang khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn, tốn thời gian, tiền bạc hoặc rơi vào tình cảnh muốn kiện nhưng không biết kiện ai.

 

 Những quy định bất hợp lý về tuổi thọ thiết bị, công nghệ nhập khẩu; sự trùng lặp trong các giấy phép… đang khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn, tốn thời gian, tiền bạc hoặc rơi vào tình cảnh muốn kiện nhưng không biết kiện ai.

Quy định “dọn đường” cho công nghệ lạc hậu?

   Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu ngành in Chu Thế Hùng lắc đầu ngao ngán: “Doanh nghiệp đang bị làm khó bởi Thông tư số 16/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa trong lĩnh vực in, phát hành xuất bản phẩm và Thông tư số 23/2015 Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng”.

   Cụ thể, theo Thông tư 16/2015/TT-BTTTT, tất cả các loại máy in công nghiệp nhập khẩu quy định được sản xuất không quá 20 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu. Một số thiết bị gia công sau in như máy dao cắt (xén) giấy, máy gấp sách, máy đóng sách, máy vào bìa… được sản xuất không quá 25 năm; thiết bị chế bản in như máy chuyên dùng ghi phim, ghi kẽm, máy đục lỗ bản kẽm… được sản xuất không quá 10 năm tính từ ngày sản xuất. Các thiết bị, máy móc khác sử dụng trong công nghiệp in và sản xuất, gia công bao bì không nằm trong Thông tư 16/2015/TT-BTTTT lại được điều chỉnh bởi Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN. Theo đó, tất cả máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được nhập khẩu khi đáp ứng tối thiểu không vượt quá 10 năm tính từ năm sản xuất…

   Liên quan đến các quy định trên, ông Hùng cho biết, “triển khai nhập khẩu các thiết bị hiện nay đang là vấn đề đau đầu của các doanh nghiệp”. Bởi ngoài quy định theo năm sản xuất thì quy trình làm thủ tục nhập khẩu các thiết bị đã qua sử dụng cũng gây quá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

   Ông Hùng nêu dẫn chứng, trong Hồ sơ nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng phải có một trong các tài liệu: 1 bản chính giấy xác nhận của nhà sản xuất về năm sản xuất và tiêu chuẩn sản xuất của thiết bị đã qua sử dụng; 1 bản chính Chứng thư giám định của một tổ chức giám định. Tuy nhiên, “không một hãng, nhà sản xuất nào lại đi cung cấp giấy xác nhận cho thiết bị đã qua sử dụng. Một vấn đề nan giải khác là với các thiết bị chuyên ngành đã qua sử dụng thì các tổ chức giám định quốc tế và Việt Nam có chức năng giám định cũng không đủ chuyên môn và khả năng đánh giá chính xác được. Thiết bị nhập khẩu phải chuyển qua kho ngoại quan để kiểm hóa và lưu kho, chờ hoàn thành các thủ tục nhập khẩu sẽ kéo dài hơn bình thường, tốn thời gian và phát sinh chi phí”.

Trong bối cảnh tiềm lực tài chính có hạn, doanh nghiệp không thể đầu tư máy mới hoàn toàn của Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản có giá lên tới hàng triệu USD. Bên cạnh đó, sự nhiêu khê của thủ tục đã buộc doanh nghiệp phải lựa chọn nhập khẩu máy móc sản xuất từ Trung Quốc mới 100% nhưng dùng công nghệ từ những năm 80 của thế kỷ trước, độ chính xác thấp, tuổi thọ 1 – 2 năm vì thủ tục nhập khẩu dễ dàng hơn so với máy đã qua sử dụng của Đức, Nhật… “Rõ ràng, quy định đang dọn đường cho công nghệ lạc hậu vào nước ta”, ông Hùng nói.

    Bà Cao Minh Trúc, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Thành Đô cho hay, một trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp là du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, “chúng tôi đang gặp nhiều quy định về điều kiện kinh doanh rất vô lý”. Bà Trúc nêu dẫn chứng, theo quy định của Tiêu chuẩn quốc gia 4391 - 2015 về xếp hạng khách sạn thì khách sạn 5 sao phải có sân tennis, có spa… Thế nhưng, “mấy ai đi du lịch mà người ta chơi tennis? Chủ yếu là du lịch golf”. Vậy nên nhiều khi, doanh nghiệp bỏ ra mấy trăm triệu xây sân tennis để đủ tiêu chuẩn “cấp sao” rồi lại bỏ không vì có ai dùng đâu? Nhất là với các khách sạn ở gần hoặc có sân golf riêng thì quy định buộc phải có sân tennis là bất hợp lý. Hiện nay trên thế giới, không chỉ Nhà nước mà có nhiều hiệp hội quốc tế có thể xếp hạng khách sạn theo những tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của khách…, như tiêu chuẩn của hệ thống “Small Luxury Hotel of The World” nghiêm ngặt đến mức ở Việt Nam chỉ có hai khách sạn/resort được hệ thống này công nhận. Trong khi ở ta tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn chủ yếu là tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, đến bằng cấp, chứng chỉ mà không quan tâm đúng mức đến tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, là khác biệt với tiêu chí của các nước, bà Trúc phản ánh.Tại sao không cấp cùng một giấy phép?

  Với dịch vụ spa, trên thế giới là một ngành công nghiệp, góp phần thúc đẩy du lịch. Nhưng ngược lại ở nước ta, quy định ngành nghề xoa bóp là ngành nghề đặc biệt, chịu thuế tiêu thụ đặc biệt - tức là không khuyến khích phát triển ngành này. Trong khi lại quy định khách sạn 5 sao buộc phải có dịch vụ xoa bóp (chứ không phải dịch vụ spa) là một việc bất hợp lý. Đó là chưa kể đến hành trình gian khó để một khách sạn xin đủ 3 loại “giấy phép” để được làm dịch vụ xoa bóp: Giấy tờ theo quy định của Luật Doanh nghiệp để được cấp đủ điều kiện hành nghề có điều kiện, giấy “đủ điều kiện về an ninh trất tự” theo Nghị Định 96/2016 và làm thủ tục lại Bộ Công an; giấy tờ về cơ sở xoa bóp theo Tiêu chuẩn quốc gia 4391 và làm thủ tục theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

  Thực tế, các khách sạn 5 sao thường thuê người nước ngoài có bằng cấp về spa để quản lý và đào tạo cho nhân viên thì bằng cấp/chứng chỉ của họ lại không được công nhận, trong khi quy định cơ sở xoa bóp phải do bác sĩ có giấy phép hành nghề quản lý cũng là bất cập, còn kỹ thuật viên hành nghề xoa bóp chỉ cần học 3 tháng để có chứng chỉ hành nghề, chứng tỏ ngành nghề này vô cùng đơn giản?

   Như vậy, nhiều loại giấy tờ, thủ tục giống nhau về yêu cầu hồ sơ chứng chỉ trong cấp xếp hạng khách sạn và cấp giấy đủ điều kiện về an ninh trật tự cho cơ sở lưu trú và cơ sở xoa bóp cho khách sạn… Song, “chẳng hiểu sao cơ quan quản lý không quy định khách sạn 5 sao chỉ cần 1 giấy phép, để giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí, đại diện doanh nghiệp bày tỏ.

Theo Báo cáo điều kiện kinh doanh 2017 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có 13 loại điều kiện kinh doanh chất lượng thấp gây ra 5 nguy cơ tác động bất lợi cho doanh nghiệp như rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo - chuỗi, tác động bất lợi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, đáng chú ý, có 4 loại điều kiện kinh doanh gây ra cả 5 bất lợi cho doanh nghiệp, đó là: Áp đặt phương thức kinh doanh cứng nhắc, áp đặt hệ thống tổ chức sản xuất kinh doanh, tiêu chuẩn kỹ thuật bố trí nhà xưởng; yêu cầu phải có năng lực sản xuất tối thiểu, diện tích tối thiểu; yêu cầu phù hợp quy hoạch; yêu cầu sở hữu thiết bị, máy móc sản xuất.

 

 


Tin tức liên quan


DANH SÁCH HỘI VIÊN