Tin tức hiệp hội

Hội nghị quán triệt thông báo kết luận số 19-TB/TW của ban bí thư ( Khóa XII) về công tác xuất bản

Sáng 19/5, tại hội trường nhà khách T78, thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Thông tin

 Sáng 19/5, tại hội trường nhà khách T78, thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị quán triệt Thông báo Kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về công tác xuất bản.

Dự hội nghị có đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Tham dự Hội nghị còn có trên 300 đại biểu đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể, Hiệp hội Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành; lãnh đạo một số nhà xuất bản, Công ty in, Công ty phát hành, Trung tâm thư viện. Lãnh đạo Hiệp hội In Việt Nam tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội; ông Nguyễn Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội, Phó Chủ tịch Hội In Hà Nội. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo về chương trình hành động của Bộ gắn với nhiệm vụ trọng tâm ngành xuất bản hiện nay nhằm thực hiện Thông báo Kết luận số 19-TB/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về công tác xuất bản; nghe đồng chí Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trình bày chương trình thực hiện Thông báo Kết luận số 19-TB/TW của Hội Xuất bản Việt Nam.

Đồng chí Phạm Văn Linh phát biểu tại Hội nghị


Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, nhìn chung đã có nhiều chuyển biến tích cực, giữ được định hướng chính trị, thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng tốt nhu cầu đọc của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản có nhiều đổi mới, kịp thời khắc phục một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động xuất bản. 

Tuy nhiên, hoạt động xuất bản còn bộc lộ một số khuyết điểm, yếu kém. Đó là chưa đạt chỉ tiêu về số lượng bản sách/người/năm như trong Chỉ thị 42 đã đề ra; số tác phẩm có giá trị chiếm tỉ lệ chưa cao; năng lực quy mô, trình độ của các nhà xuất bản còn nhiều hạn chế; mô hình tổ chức chưa phù hợp; công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về xuất bản trên một số mặt chưa hiệu quả, nhất là quản lý xuất bản điện tử có nhiều bất cập, hạn chế. Nhiều cơ quan chủ quản chưa quản lý chặt chẽ, có hiệu lực, hiệu quả nhà xuất bản trực thuộc…

Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho các nhà xuất bản, thư viện, công ty phát hành sách đã chia sẻ thực trạng, những khó khăn hiện đang tồn tại của đơn vị mình cũng như trong hợp tác, liên kết và hoạt động xuất bản nói chung.

 

Các đại biểu cũng cho rằng, sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chủ quản nhà xuất bản còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản chưa được triển khai đồng bộ, chưa có cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển. Bên cạnh đó, năng lực trình độ của một số cán bộ quản lý nhà xuất bản, biên tập viên, lao động ngành xuất bản chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động xuất bản trong tình hình mới…

Từ thực trạng của hoạt động xuất bản hiện nay đồng thời nhằm khắc phục những hạn chế, những việc chưa đạt được từ Chỉ thị số 42, Thông báo kết luận số 19 –TB/TW của Ban Bí thư (khóa XII) cũng đã chỉ rõ trong thời gian tới cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương để lĩnh vực xuất bản phát triển đúng định hướng, nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký phát biểu

Được sự phân công của Ban Tổ chức, đồng chí Nguyễn Xuân Thịnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội, Phó Chủ tịch Hội In Hà Nội đã tham gia phát biểu thảo luận tại hội nghị. Tham luận đã đánh giá những ưu, nhược điểm của ngành xuất bản, in, phát hành trong việc thực hiện Chỉ thị số 42 và Thông báo Kết luận số 19 của Ban Bí thư Trung ương và Chương trình hành động của Hiệp hội và Hội In Hà Nội trong việc tổ chức thực hiện thông báo kết luận số 19 của Ban Bí thư Trung ương.  Mặt khác tại Hội nghị đồng chí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội đã đề xuất một số kiến nghị với các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và địa phương về hoạt động in trong giai đoạn hiện nay cụ thể là:

1) Tiếp tục quán triệt chỉ thị 42 và kết luận 19 của ban Bí thư, xác định rõ trách nhiệm của các cấp các ngành. Có kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu, thời gian thực hiện cụ thể để làm cơ sở kiểm tra đôn đốc nhận xét đánh giá kết quả thực hiện.

2) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, Ban, Ngành, Chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 115/QĐ-TTg, ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bằng những chương trình kế hoạch cụ thể.

3) Đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông, phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành sớm hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư ứng dụng công nghệ, kỹ thuật, thiết bị in, thuế, tiền thuê đất đối với hoạt động in theo tinh thần Nghị định 60/2014 của Chính phủ. Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 60/2014/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tiễn của ngành in Việt Nam hiện nay.

4) Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông quan tâm nhiều hơn đến hoạt động của ngành in. Định kỳ hằng năm tổ chức triển khai kế hoạch, thực hiện sơ kết, tổng kết, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động in nhằm khuyến khích động viên kịp thời các cơ sở in cùng với hội nghị về xuất bản và phát hành.

5) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành in đáp ứng yêu cầu quản trị doanh nghiệp hiện đại và hội nhập quốc tế.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Linh nhấn mạnh, các nhà xuất bản cần phải đánh giá thực chất năng lực để có định hướng phát triển nhất là trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ như hiện nay. Đặc biệt cần chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để có những ấn phẩm hay, có giá trị. Cần chú trọng tới công tác phát hành, thư viện, có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị để hoạt động xuất bản đạt hiệu quả. Đồng chí Phạm Văn Linh cũng nhấn mạnh tới xuất bản điện tử và đề nghị nhanh chóng triển khai, các nhà xuất bản vừa phải chủ động song cũng cần sự năng động, sáng tạo để không bị tụt hậu so với khu vực và thế giới.

                                                                              Tin và ảnh

                                                                         Đoàn Đắc Trưởng

                                                                   Văn phòng Hội In Hà Nội

 


Tin tức liên quan


DANH SÁCH HỘI VIÊN