Tin tức hiệp hội

Công tác tuyển thợ in của người Nhật

Ngày 14/1/2016 vừa qua, Công ty Traum Việt Nam và Trường Cao đẳng Công nghiệp in đã phối hợp tổ chức buổi kiểm tra kĩ năng nghề in để tuyển dụng nhân sự sang làm việc tại Nhật Bản

Ngày 14/1/2016 vừa qua, Công ty Traum Việt Nam và Trường Cao đẳng Công nghiệp in đã phối hợp tổ chức buổi kiểm tra kĩ năng nghề in để tuyển dụng nhân sự sang làm việc tại Nhật Bản, trực tiếp kiểm tra kĩ năng nghề in là ông Koji Shibuya, chuyên gia cao cấp của hãng máy in KOMORI, Nhật Bản. Bài kiểm tra gồm có 03 phần, trong đó 02 phần liên quan đến mức độ hiểu biết và kĩ năng nghề, phần còn lại là bài phỏng vấn từng ứng viên dự tuyển. Qua buổi kiểm tra này, chúng tôi nhận thấy công tác tuyển dụng của người Nhật khá khác so với Việt Nam chúng ta đang làm.

            Sự khác biệt đầu tiên đó là sự chuẩn bị kĩ, đúng trọng tâm và yêu cầu về nội dung cần phải sát hạch. Người Nhật chuẩn bị rất kĩ cho những nội dung sát hạch và gần như không thay đổi nội dung này trong những lần kiểm tra. Đây là lần thứ hai (lần thứ nhất là tháng 1/2016) chúng tôi có dịp làm việc cùng các chuyên gia Nhật trong công tác kiểm tra kĩ năng nghề của ứng viên, chúng tôi nhận thấy họ luôn chuẩn bị sẵn các giấy tờ, tài liệu phục vụ cho việc kiểm tra rất đầy đủ và đúng với yêu cầu, chúng tôi (Trường Cao đẳng Công nghiệp in) chỉ chuẩn bị máy in, giấy, mực và một vài thứ lặt vặt khác. Nội dung kiểm tra của năm trước và năm nay không khác nhau là mấy, gần như với cùng một nội dung, điều đó chứng tỏ rằng những yêu cầu của họ là ở mức độ rất cơ bản để một người có thể làm được trong môi trường ngành in hoặc có đủ điều kiện để phát triển năng khiếu của nghề, cho dù thiết bị có thay đổi hoặc hiện đại đến mức độ nào. Qua đó, chúng ta có thể thấy họ đã nghiên cứu rất kĩ về những yêu cầu cơ bản của một thợ in, khi thợ in đã có kiến thức, kĩ năng cơ bản thì rất dễ để nâng cao trình độ cũng như tay nghề.

Ảnh 1 : Kiểm tra kỹ năng vận hành máy in

            Sự khác biệt thứ hai là kiểm tra đánh giá năng lực thực tế. Khác với ở Việt Nam, chuyên gia Nhật chỉ yêu cầu các bạn ứng viên thực hiện các thao tác cực kì đơn giản nhưng lại đòi hỏi kiến thức hiểu biết về nghề in khá rộng, như: vận hành máy in (bao gồm cả vỗ giấy và đếm giấy, căn chỉnh hệ thống cấp giấy và nhận tờ in), đập mực bằng tay để được màu nền 100% (nền bệt giống in trên máy), kiến thức lý thuyết cơ bản về hướng thớ giấy của giấy in và của sản phẩm in, nhận biết tầng thứ T'ram qua hình dạng điểm T'ram, điều kiện môi trường của phòng in, thứ tự in màu trên máy in 04 màu, thời gian khô của mực ở điều kiện môi trường lý tưởng (môi trường phòng in tiêu chuẩn), nguyên tắc phối màu trong in offset và nhận biết thành phần màu mực in thông qua các mẫu mà họ đưa ra. Ở Việt Nam thông thường chúng ta chỉ quan tâm đến vấn đề chạy được máy in hay không mà thôi. Ngoài ra, họ cũng đánh giá nhận biết của thợ in về chất lượng tờ in sau khi in xong, chất lượng ở đây cũng đòi hỏi ở mức cơ bản như phân biệt những phần tử in không mong muốn trên tờ in, họ sẽ đưa cho bạn 01 tờ in và bạn tự tìm ra các phần tử in không mong muốn đó, điều này rất khác ở Việt Nam.

            Sự khác biệt thứ ba đó là kiểm tra thị lực, ở Việt nam thường chỉ quan tâm đến sức khỏe cơ bắp, người Nhật ngoài quan tâm đến sức khỏe cơ bắp họ còn rất quan tâm đến độ "thính" của thị lực, họ kiểm tra độ tinh của mắt và kiểm tra xem bạn có bị mù màu hay không? Dụng cụ dùng cho kiểm tra thị lực là bảng đo thị lực chuẩn dùng trong bệnh viện (họ thuê tại Việt Nam) và bảng kiểm tra mù màu mà họ đem từ bên Nhật sang. Điều này cho thấy, ngoài yếu tố chuyên môn, người thợ in cần phải có đôi mắt đủ tinh tường để hành nghề và đôi mắt đó phải biết phân biệt được màu sắc một cách bình thường nhất, sâu xa hơn nữa là họ không tin tưởng vào chất lượng khám sức khỏe của ta. Ở Việt Nam, các nhà tuyển dụng nếu có quan tâm chắc là cũng chỉ cần một cái giấy chứng nhận sức khỏe đảm bảo đủ để làm việc.

Ảnh 2 : Kiểm tra mù màu cho học viên

            Sự khác biệt thứ tư, đó là cách đánh giá tổng hợp toàn diện. Các bài thi sẽ được các chuyên gia cho điểm theo cách cộng điểm của 03 bài thi, sau đó chọn ra người phù hợp nhất theo tiêu chí của riêng họ (việc này chúng tôi cũng không được biết) có nghĩa là người cao điểm nhất chưa chắc đã phải là người trúng tuyển, vấn đề cốt lõi là họ chọn ra người phù hợp với yêu cầu của họ. Ở Việt Nam có lẽ chúng ta thường chọn người giỏi nhất trong số các thí sinh dự tuyển.

            Cuối cùng là phong cách làm việc rất chuyên nghiệp, cho dù thời gian có muộn tới đâu nhưng họ vẫn miệt mài làm việc cho tới khi xong việc. Buổi trưa,chúng tôi kết thúc vào lúc 13h30 khi sát hạch xong bài thứ nhất, buổi tối kết thúc lúc 18h50 khi toàn bộ bài thi kết thúc, kết quả thi và danh sách trúng tuyển được thông qua, đồng thời công bố ngay kết quả, ở Việt Nam có lẽ các ứng viên sẽ phải đợi ít nhất một vài ngày.

            Qua hai năm làm việc với các đối tác Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy rằng phải chăng công tác tuyển dụng nhân sự ngành in của chúng ta cũng nên học hỏi người Nhật ở những điểm tích cực? Công tác đào tạo thợ in cũng cần có sự thay đổi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, cụ thể như: đào tạo theo hướng trang bị cho người học những kiến thức – kĩ năng cơ bản nhất của một thợ in, thái độ làm việc chuyên nghiệp, tinh thần yêu nghề và cống hiến vì nghề; thay đổi tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá người học; song song với đó, các cơ sở đào tạo và các cơ sở sản xuất cần có sự kết hợp với nhau trong công tác đào tạo thực hành để nâng cao kĩ xảo, tay nghề cho học người học trước khi ra trường. Hiện nay, Trường cao đẳng công nghiệp in đã có sự thay đổi về chương trình đào tạo và phương pháp tổ chức đào tạo để phù hợp với thực tiễn yêu cầu của ngành, chúng tôi đã và đang triển khai đào tạo theo các tiêu chuẩn cơ bản nhất, tất nhiên những tiêu chuẩn này là nội bộ (chưa có sự đánh giá bên ngoài của doanh nghiệp, hiệp hội); cùng với đó, chúng tôi phối hợp với các cơ sở in để đào tạo theo nhu cầu cụ thể cho từng cơ sở. Năm học 2017 – 2018, chúng tôi sẽ xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng kết hợp với doanh nghiệp, cụ thể: nhà trường đào tạo về lý thuyết nghề và thực hành cơ bản, doanh nghiệp đào tạo nâng cao về tay nghề, mô hình đào tạo sẽ là sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trước mắt, chúng tôi không khẳng định phương pháp tổ chức như vậy là để nâng cao chất lượng đào tạo mà là để “đào tạo đúng tiêu chuẩn ngành” sau đó mới tính đến chuyện nâng cao dần chất lượng trong những năm tiếp theo. Với định hướng đó, chúng tôi rất mong muốn các cơ sở in, cơ sở sản xuất bao bì cùng chung tay với nhà trường trong công tác đào tạo, hỗ trợ đào tạo để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực ngành in và ngành bao bì, vì mục tiêu “được làm việc và làm được việc” của người học sau khi ra trường.

            (Nguyễn Hòa Bình - Trường Cao đẳng Công nghiệp in) 


Tin tức liên quan


DANH SÁCH HỘI VIÊN