1.Các yêu cầu về màu sắc trong in thử ứng dụng trong in Offset
Những điều chúng ta mong muốn với in thử cho in offset:
- Bài mẫu in thử bằng máy in phun thể hiện đúng kết quả in trên máy in offset
- Bài mẫu in thử được dùng làm bài mẫu để khách duyệt bài
- Bài mẫu in thử dùng làm tờ OK sheet khi canh bài trên máy in offset
- Bài mẫu in thử thể hiện đúng màu pha
- Bài mẫu in thử có thể giả lập các kết quả in bằng các phương pháp in khác nhau như flexo, ống đồng.
Nhưng thực tế để đạt được yêu cầu trên chúng ta đã phải trải qua một quãng đường dài với những vấn đề tiêu biểu như màu của mẫu khác màu của màn hình máy tính, màu của bản in khác màu của mẫu in thử, in lần này khác in lần trước v.v. Biết trước kết quả, kiểm soát tất cả các công đoạn của quá trình in là một nhu cầu thực tế của sản xuất in hiện đại. Tất cả các điều kiện kỹ thuật và công nghệ cho phép điều đó nhưng quá trình đưa vào ứng dụng trong thực tế ở Việt Nam diễn ra quá chậm chạp.
2.Các mốc thời gian tiêu biểu:
Thập kỷ 90 là thời gian ngành in chuyển từ chế bản quang cơ sang DTP ( Desktop publishing ) và ngôn ngữ Postscript. ICC color management đã bắt đầu được ứng dụng trong các phần mềm xử lý ảnh như Photoshop , đồ họa Corel hay AI nhưng ứng dụng thực tế vẫn còn hạn chế. Để chuyển một file ảnh RGB sang CMYK cần có những người vận hành máy scanner chuyện nghiệp và kinh nghiệm nhiều năm trong lãnh vực tách màu. Việc chuyển đổi bằng ICC không được tin tưởng thể hiện qua việc nhà in không nhận file của khách hàng có chứa RGB và chức năng tự động chuyển đổi RGB sang CMYK của các RIP không được sử dụng.
1998: Người viết bài có cơ hội được tiếp xúc và làm việc với Dr. Chao , một trong những thành viên của nhóm phát triển phần mềm Lino Color, và qua đó hoàn toàn bị thuyết phục với sức mạnh của ICC color management. Chỉ với các ICC khác nhau người ta có thể tạo ra hai bản in CMYK và CRedYK hoàn toàn giống hệt nhau ( màu M được thay thế bằng Red). Việc chuyển đổi RGB sang CMYK giống như giải một hệ 3 phương trình với 4 ẩn số, chúng ta có thể có vô số kết quả khác nhau và đó là tiền đề cho việc ứng dụng các kỹ thuật như GCR hay UCR. Thậm chí tạo ra các bản tách màu CMY thay vì CMYK. ICC CMY có ứng dụng rất nhiều trong in ống đồng khi tiết kiệm bản đen khi in giấy bồi tường hay giấy gói hàng. Tạo ra các ICC mô tả không gian màu của thiết bị là bước đầu tiên và căn bản nhất của ICC color management. Với phần mềm PrintOpen, ViewOpen của Heidelberg các ICC của máy in, của màn hình được tạo ra và ứng dụng trong thực tế. Chuyển đổi không gian màu RGB sang CMYK bằng ICC đã chứng tỏ chất lượng tốt và dần dần thành tiêu chuẩn loại bỏ sự cần thiết phải có các máy scanner đắt tiền. Thay vì 50.000-70.000 USD thì bây giờ 2.000-2.500 USD cho một máy scanner flatbed khổ A3 cùng với Photoshop người ta đã có thể tạo ra các bản tách màu chất lượng cao. Năm 2000 , lần đầu tiên xí nghiệp in Le Quang Lộc tại thành phố HCM in offset Hexahrome 6 màu . File RGB được chuyển đổi sang HexaChrome nhờ ICC. Một ví dụ khác khác là trang bìa của tạp chí “Thế Giới Phụ Nữ “ được in 5 màu CMYK + Gold cũng được chuyển đổi bằng ICC. Những công việc này ngày nay có thể được thực hiện rất dễ dàng với phần mềm Equinox nhưng ngày đó là cả một quá trình mày mò.
2000: Công ty Đồng Nam đại diện cho hãng máy in Epson và muốn quảng bá việc sử dụng Inkjet cho việc in thử trong in offset. Bối cảnh lúc đó thì in thử cho offset cần các máy in mắc tiền như Iris của Scitex, Cromalin của Agfa hay Kodak Approval, việc dùng Inkjet và ICC color management hứa hẹn đem lại chất lượng và giá thành hạ. Giám đốc công ty Đồng Nam, ông Quang Anh đã cùng với người viết bài thực hiện việc in thử trên giấy couche với máy in Epson 9600 và BestRIP thành công. In trên cùng loại vật liệu với sản phẩm in thật, thậm chí in tram có tình thuyết phục cao. Giải pháp này được phổ biến rộng rãi và thực tế đã chứng minh rằng đây là một cách tiếp cận sai vấn đề. Giống ở đây được định nghĩa như thế nào? giống máy in offset A ở nhà máy B hay giống tất cả các sản phẩm in offset? Sai số là bao nhiêu? Câu hỏi In thử giống in thật hay in thật giống in thử vẫn là một câu hỏi lẩn quẩn và không có câu trả lời.
2004 : Các hãng như EFI hay GMG đã có câu trả lời với các RIP điều khiển Inkjet tạo ra các bản proof được certified nhưng với điều kiện sử dụng đúng vật tư và chế độ in cụ thể. Đây là rào cản cho việc in thử tại Việt Nam vì quá trình in offset có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng và không ổn định.
2008-2012 : Khái niệm PCM (Print Color Management ) được Heidelberg quảng bá như một phần của các giải pháp dành cho in offset. Nội dung chủ yếu là tiêu chuẩn hóa công đoạn in trong đó tất cả các quá trình đều được kiểm soát bằng số và thiết bị phải được cân chỉnh sao cho nhanh nhất đạt các thông số mục tiêu. Nếu quá trình in được chuẩn hóa thì câu hỏi in thử in thật đã có câu trả lời:
- In thử đúng chuẩn
- In thật đúng chuẩn
- Nếu cùng một tiêu chuẩn ví dụ ISO 12647 thì tự động bản in thật và bản in thử giống nhau.
2016. Công ty Huynh Đệ Anh Khoa đạt chứng chỉ PSO của Fogra là công ty in đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ tiêu chuẩn hóa trong sản xuất in offset. Nó là tiền đề cho việc thiết lập một hệ thống in thử đúng chuẩn ISO 12647-7.Công ty Huynh Đệ Anh Khoa có thể tự hào là công ty đầu tiên có khả năng tạo ra các bản in thử đúng chuẩn ISO 12647-7 với máy in Epson 7600.
3. In thử và quản trị màu tại công ty Huynh Đệ Anh Khoa.
Một hệ thống in thử đúng chuẩn ISO 12647-7 (ISO 12642) sẽ bao gồm những thành phần sau :
- Máy in inkjet khổ lớn : Epson HP, Canon vv
- RIP có khả năng quản trị màu : Heidelberg ColorProof Pro, EFI ColorProof XF , Esko PackProof v.v.
- Phần mềm tạo Profile và kiểm tra màu: Heidelberg ColorTool, X-rite Profiler
- Máy đo màu quang phổ có khả năng quét dải màu: Techkon, X-rite
Mục tiêu rất đơn giản là nếu bản in thử đúng chuẩn ISO và quá trình in cũng đúng chuẩn ISO thì tự động bản in thật offset giống bản in thử với sai số cho phép. Để một bản in thử được coi là đúng chuẩn ISO 12647 -7 hay ISO 12642 thì hệ thống phải trải qua một quá trình kiểm tra và cân chỉnh rất khắt khe.
Bước 1 :
Cân chỉnh máy in thử Epson 7600 để có một không gian màu lớn nhất. RIP Colorproof XF của EFI cung cấp khả năng cân chỉnh tốt nhất với chức năng tạo baseline. Lưu ý là dùng vật tư tiêu chuẩn của Epson như giấy Glossy và mực chính hãng. Dùng các vật tư của nhà sản xuất thứ 3 không bảo đảm về sự ổn định.
Bước 2 :
Một test chart IT8 7/4 với hơn 1617 ô màu được in với các chức năng quản trị màu của RIP ở trạng thái OFF, chỉ sử dụng các đường cong cân chỉnh mới thiết lập. Kết quả đo bằng máy đo quang phổ được dùng để tạo ra ICC profile mô tả không gian màu của máy in thử. ICC này phải được kết nối với các thông số cân chỉnh calibration trước đó.
Bước 3:
Thiết lập chế độ quản trị màu của RIP với Profile CMYK đích là ISO coated v2 Hoặc Fogra 39. Sau đó bản in này được kiểm tra bằng máy đo màu quang phổ và phần mềm chuyên dụng như Heidelberg Colortool. Kết quả so sánh với giá trị tiêu chuẩn Fogra 39 phải đảm bảo sai số trung bình deltaE của tất các ô màu <2 , sai số trung bình max không lớn hơn 3. Sai lệch màu tối đa <6 , Xám CMY deltaH nhỏ hơn 2.5. Xem hình 1.
Hình 1 Kết quả kiểm tra test chart IT8 so sánh với fogra 39
Bước 4:
Nếu tất cả nằm trong sai số cho phép thì chúng ta đã có một hệ thống in thử đạt chuẩn ISO 12647-7 , nếu còn có sai biệt thì ICC của máy in thử cần phải hiệu chỉnh. Việc hiệu chỉnh này đước thực hiện với chức năng “ Proof Correction” của Heidelberg Colortool hay EFI Color Profiler Suite. ICC sau khi được hiệu chỉnh sẽ được kết nối với thông số cân chỉnh và in lại test chart IT8 với thiết lập như bước 3. Quá trình này được lặp lại đến khi có kết quả như mong muốn.
Bước 5:
Kiểm tra và cân chỉnh thiết bị định kỳ , dùng vật tư tiêu chuẩn là các điều kiện cần và đủ để một hệ thống in thử đúng chuẩn ISO 12647 vận hành. Thực tế cho thấy người thợ in dễ dàng chấp nhận bài mẫu in thử vì “ Look and Feel “ giống như offset và họ có thể in được. Một cách khác ứng dụng tốt hơn là in tờ in toàn trang cùng các dải màu kiểm tra để sử dụng nó như một tờ in OK sheet trên những máy in có hệ thống đo màu quang phổ. Hình 2 là kết quả đo dải màu kiểm tra của một tờ in toàn trang từ máy in epson .Kết quả 95% so với ISO cho thấy sức mạnh của hệ thống và việc dùng tờ in thử là bài mẫu in cho khách hàng cũng như cho thợ in là khả thi.
Hình 2 là bài in thực tế được in thử đúng chuẩn ISO12647 và sử dụng làm OK sheet cho máy in .
Hình 3 :Kết quả đo bằng Intellitrax và phần mềm Colorware cho thấy đạt 95 điểm ISO 12647. Sai số ở đây do Interllitrax đo với chế độ nền đen ( Black backing) trong khi máy đo cầm tay đo ở chế độ Whitebacking.
Việc in thử đúng chuẩn ISO 12647 là một việc khả thi và tất cả chỉ phụ thuộc vào quyết tâm và sự kiên trì áp dụng mà thôi.
Gần 20 năm để đi một quãng đường từ ICC cho tới bản in thử đúng chuẩn ISO 12647 -7 là một khoảng thời gian quá dài. Lỗi ở việc đào tạo và cập nhật kiến thức mới cũng như ý chí vươn ra ngoài biên giới Việt Nam. Chúng ta quá dễ dàng thỏa mãn với việc in ra nhìn cảm thấy đẹp là được, không có ý thức sản xuất công nghiệp với các tiêu chuẩn có thể định lượng một cách khách quan. Thực tế sản xuất còn đặt ra các yêu cầu rộng lớn hơn như kết quả in không phụ thuộc thiết bị và phương pháp in. Tất cả các máy in offset cho ra cùng một kết quả, cũng như in kỹ thuật số giống in offset. Tất cả đều khả thi dự trên hai nền tảng là tiêu chuẩn hóa và ICC color management.